Do sự thay đổi về lượng hormone, sự tăng kích thước của tử cung kết hợp với chế độ ăn uống không hợp lý khiến cho hầu hết chị em trong thời kỳ mang thai đều gặp phải triệu chứng táo bón. Nhằm giúp các chị em không còn bị ám ảnh bởi những lần táo bón đáng sợ, sau đây chúng tôi xin cung cấp một vài gợi ý để chống táo bón trong thai kỳ:
1. Ăn nhiều rau, củ, quả
Rau, củ , quả là những thực phẩm giàu chất xơ có tác dụng nhuận tràng, dễ tiêu hóa và kích thích nhi động ruột. Thêm vào đó, các loại rau, củ quả còn chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất rất lớn không chỉ tốt cho cơ thể mẹ và bé mà cũng có tác dụng phòng chống táo bón cũng như các bệnh khác cho thai phụ.
Theo các chuyên gia y tế, các loại rau, củ, quả giàu chất xơ và tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ bầu bao gồm: các loại rau xanh (mồng tơi, chân vịt, bắp cải, bông cải xanh, rong biển…), các loại củ giúp làm mềm phân và dễ tống ra ngoài (cà rốt, khoai lang), các loại quả (chuối, đu đủ chín, dâu tây, táo, lê, cam, quýt, bưởi, bí đỏ…).
Các thực phẩm đó còn có tác dụng tăng sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch cho cơ thể, chứa rất ít chất béo và không có cholesterol nên rất có lợi cho bà bầu, kích thích tiêu hóa và phòng chống táo bón một cách hiệu quả, an toàn. Do đó, bà bầu cần lưu ý nên bổ sung vào thực đơn các loại rau, củ, quả này để hạn chế chứng táo bón một cách tốt nhất.
2. Uống nhiều nước
Nước là thành phần chính trong cơ thể người và thật sự cần thiết và quan trọng giúp duy trì hoạt động của các cơ quan chức năng trong cơ thể và duy trì sự sống. Đặc biệt, trong thời kỳ mang thai việc thiếu nước có thể dẫn đến nhiều triệu chứng nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi như: Mệt mỏi, chóng mặt, phù nề, táo bón, tăng nguy cơ sinh non…
Cung cấp đủ nước cũng chính là biện pháp cực kỳ hiệu quả để bà bầu chống lại tình trạng táo bón do nước làm tăng khả năng hấp thụ chất xơ, kích thích tiêu hóa, làm mềm phân và thải ra ngoài một cách dễ dàng hơn. Mỗi ngày mẹ nên uống ít nhất từ 2,5 – 3 lít nước, ngoài nước lọc ra mẹ cũng có thể uống các loại nước ép từ trái cây, rau củ như: nước cam, nước ép táo, nước rau má, rau diếp cá… Hay các món chè từ họ nhà đậu như đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ… cũng có tác dụng giải nhiệt, tăng cường chất xơ, cung cấp lượng nước giúp nhuận tràng, phòng chống táo bón hiệu quả.
Mẹ cũng cần chú ý, để tránh táo bón đồng nghĩa với việc mẹ nên tránh xa các loại đồ uống có ga, đồ uống chứa nhiều cafein như cà phê, trà…
3. Giảm sắt và canxi
Khi mang thai, mẹ bầu thường muốn thai nhi cứng cáp, khỏe mạnh nên thường xuyên cung cấp các thực phẩm chứa nhiều sắt và canxi như: Tôm, cua, cá, thịt bò, trứng, sữa… Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều chất sắt và canxi cho cơ thể lại dẫn đến tình trạng thừa sắt và canxi – Là một trong những nguyên nhân hàng đầu làm phân bị rắn lại và gây táo bón ở phụ nữ mang thai.
Để phòng chống táo bón, mẹ cần giảm lượng thức ăn có chứa nhiều canxi và sắt. Nếu sử dụng sữa giàu hàm lượng canxi, sắt hay ở dạng thuốc, mẹ cần dừng uống ngay. Nếu tình trạng nặng hơn cần thăm khám tại các cơ sở y tế.
Do đó, mẹ chỉ nên cung cấp cho cơ thể lượng canxi và sắt phù hợp. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhé.
4. Tập thể dục
Có một phương pháp giúp hệ tiêu hóa của mẹ được hoạt động tốt hơn mà hầu như ít chị em biết tới đó chính là thể dục. Các bài tập thể dục mặc dù không lấy đi nhiều năng lượng của mẹ nhưng lại có tác dụng rất lớn trong việc lưu thông máu, kích thích nhu động ruột, tạo tâm trạng thoải mái và giúp tiêu hóa tốt hơn.
Mẹ có thể tập các bài tập như: Yoga, bơi lội, đi bộ… và không nên ngồi hoặc đứng quá lâu một chỗ.
Ngọc Châu