Đã hết thời kiểu làm ăn giống như Humphrey Bogart, với một ít chất du côn trong huyết quản, thám tử tư ngày nay phải có cái đầu rất to để được nhận vào các học viện trinh thám.
Bởi vì không phải chỉ theo dõi đối phương mà còn phải biết rõ những ngóc ngách của luật pháp, tài chánh, biết sử dụng kỹ thuật mũi nhọn để đáp ứng nhu cầu giám sát ngày càng tinh quái hơn
Phát hiện ăn cắp vặt ở các cửa hàng, truy tìm cổ vật, theo dõi ngoại tình, làm hàng giả, lừa đảo tín dụng, xác minh lý lịch… – nhiệm vụ của thám tử tư thật quan trọng. Công việc trở nên chuyên môn hóa, nghề này đã được công nhận và phải gánh lấy trách nhiệm. Một đạo luật tại Pháp buộc thám tử tư phải có đầy đủ bằng cấp. Học luật tại Đại học Melun, kỹ thuật theo dõi tại Viện Đào tạo trinh sát viên (IFAR) ở Montpellier. Đó là những đòi hỏi bắt buộc cho những ai muốn làm nghề thám tử tư.
Tại ĐH Melun, cũng như IFAR, các sinh viên chuẩn bị hành nghề không hề ngờ lãnh vực mà mình sẽ đeo đuổi lại bao la đến như vậy. Nếu ở vùng nông thôn, nghề thám tử tư còn phảng phất một chút nét cổ điển, thì tại các thành phố lớn hiện nay, nhu cầu lại rất khác biệt nhau như: truy tìm huyết thống, lừa đảo tín dụng, nghiên cứu khả năng chi trả. Jean-Louis Jacomino, cựu sĩ quan cảnh sát trở thành giáo sư tại IFAR, nói với các học trò: “Các bạn phải khai thác các kẽ hở của hệ thống luật pháp. Chẳng hạn, ngay tại vùng Montpellier, mỗi ngày cũng đã có từ 20 – 25 người mất tích. Hầu hết được tìm thấy sau 2 – 3 ngày. Nhưng cảnh sát chẳng bao giờ điều tra ngay khi được thông báo. Sau đó, nếu sự việc thật sự nghiêm trọng, họ mới bắt đầu huy động lực lượng, và chỉ giới hạn trong một khoảng thời gian nhất định. Trái lại, thám tử tư có mặt ngay tức khắc, làm việc 24/24 giờ cho đến khi tìm được nạn nhân mới thôi”.
Nhu cầu của các xí nghiệp
Ngày nay xí nghiệp là khách hàng chủ yếu của các văn phòng thám tử tư tại Paris. Didier Rauch, chuyên gia điều tra tài chánh và thương mại tại Orly, cho biết: “Họ tìm chúng tôi vì những rắc rối nội bộ, hay các cuộc cạnh tranh bất hợp pháp, làm hàng giả, hay ăn cắp bản quyền”. Đọc vài báo cáo của một sinh viên tại Melun, ta sẽ có khái niệm về những vấn đề mà một thám tử tư ngày nay phải giải quyết. Một người kể lại chuyện mình phải đột nhập vào một công ty hàng không để theo dõi công nhân bốc vác hàng hóa, lợi dụng thời cơ chôm chỉa. Một người khác kể chuyện theo dõi một gã thợ ống nước trốn đi với một xấp hồ sơ khách hàng, bị tình nghi là gián điệp kinh tế của công ty đối thủ.
Các văn phòng thám tử tư ngày càng chuyên nghiệp hơn
Didier Rauch nói: “Trong mấy thập niên vừa qua, phương pháp làm việc của chúng tôi đã hoàn toàn thay đổi”. Cho đến 1970, thám tử tư còn có thể nghe lén điện thoại. Ngày nay, không thể thu chuyện mật của một người, dù ở nơi công cộng. Cũng không thể chụp ảnh một người ở nơi tư riêng, dù ngay trong vườn. Lại thêm điều mới mẻ: điều tra thông tin để chống cạnh tranh phi pháp.
Từ hơn 1 0 năm qua, các văn phòng thám tử tư cũng chuyên môn hóa trong lãnh vực tình báo kinh tế, khai thác thông tin công cộng để phục vụ khách hàng. Chẳng hạn xí nghiệp muốn đặt một nhà máy đóng giày tại Algérie, sẽ yêu cầu nghiên cứu những nguy cơ, ai là đối thủ chính và phải đối phó như thế nào. Một thám tử tư muốn tồn tại phải có những kiến thức và khả năng trong nhiều lãnh vực. Michel Forget, 61 tuổi, một thám tử tư làm việc tại Neuilly tóm tắt: Muốn làm một thám tử tốt, phải có 3 điều kiện: được đào tạo nghề nghiệp vững chắc, biết cách làm việc của một cảnh sát và thành thật.
Ngoài hiểu biết lý thuyết, thám tử tư còn phải thông thạo địa hình: Bà bảo vệ khu chung cư muốn gặp phải biết chọn lựa đúng giờ giấc. Không được đến buổi sáng, vì bà ta còn phải đi phân phối báo, lau cầu thang… Phải gõ cửa lúc 15 giờ, sau giờ nghỉ trưa. Vuốt ve con mèo, nếu có con mèo trong tay, và tìm những lời lẽ tạo niềm tin. Tất cả những chuyện đó, không thể học ở nhà trường. Tạo cảm giác quan trọng cho người khác, không bao giờ tỏ vẻ vội vã, đó là bí quyết khi điều tra một vụ án gay go: có khi phải hỏi chuyện một người đến 2 – 3 lần.
Thám tử lãnh tiền theo phi vụ!
Sandrine Lafforgue, một cô gái đẹp tóc nâu, 27 tuổi, tốt nghiệp ĐH Melun năm 2001. Vóc dáng đẹp đẽ, tay nghề vững chắc, cô biết làm mọi chuyện. Sandrine là một cộng tác viên độc lập, được trả tiền tùy theo phi vụ. “Tôi lập ra một xí nghiệp mini của chính mình. Với điều kiện cam kết thu nhập không quá 27.000 euro/năm, tôi được miễn thuế”. Cô làm việc cho vài văn phòng thám tử tư, đôi khi chẳng cần biết đến toàn bộ vụ án mà mình tham gia. Nhờ người ta truyền miệng cho nhau, cô cũng kiếm được cho mình một loại khách hàng riêng biệt. Đôi khi phải giới thiệu cho đồng nghiệp, lúc sự việc vượt quá khả năng của mình. Mỗi ngày, người ta mang đến cho cô những vấn đề khác nhau. Đó là cái mà cô chờ đợi nơi nghề nghiệp của mình.
Benoit Real, 27 tuổi, với áo thun xám và quần jean nhàu nát, kể lại: Tôi mới về nhà sau một phi vụ bắt đầu lúc 4 giờ sáng. Mặc veston cravate rất dễ bị phát hiện. Tốt nghiệp Trường Melun, anh ta cho rằng: Sau mỗi phi vụ đều học được một điều mới lạ trong nghề nghiệp. “Người ta giao cho tôi những cuộc điều tra ngày càng quan trọng. Thoạt đầu là theo dõi, rồi đến điều tra khả năng chi trả. Phải lập lại 10 năm cuộc đời của một con người, thật là thú vị”.
Giá biểu làm ăn của một thám tử tư tại Paris bình quân như sau: Theo dõi đối tượng, từ 50 – 90 euro/giờ, ban đêm từ 70 euro trở lên/giờ. Chụp ảnh tội phạm: 230 euro/bức. Xác minh lý lịch: 250 – 300 euro/người. Vụ án đơn giản như ngoại tình: 1.500 – 2.500 euro/10 ngày làm việc. Vụ án phức tạp: 20.000 euro/khoảng 3 – 4 tháng làm việc.
Chân dung một thám tử tư hiện đại: Jean Francois Abgrall
Từ lâu, Jean-francois Abgrall, 46 tuổi, là một sĩ quan cảnh sát như mọi người khác. Năm 2000, ông từ giã bộ phận nghiên cứu tại Sở Cảnh sát Rennes sau khi làm việc ở đó 20 năm. Nhưng không bỏ hẳn. Ông đăng ký tại quận là “nhân viên điều tra”. Jean-francois cũng sử dụng những phương pháp trước kia, vốn đã từng làm cho ông nổi tiếng, sau khi bắt được Francis Heaulme vào năm 1992 tại Strasbourg. Hắn là tên giết người hàng loạt ghê gớm nhất nước Pháp. Liên kết con người này với cái chết của hai em trai vào năm 1986 tại Montigny-lès-Metz, Abgrall đã minh oan cho Patrick Dils bị kết án chung thân. Trong vụ án Dils, tất cả các sự kiện chung quanh đều nằm trong ý đồ của Francis Heaulme. Kết án Dils chứng tỏ thủ phạm đang nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Và khi đó, nó sẽ lòi sơ hở cho ta túm lấy. Ngày nay trong tư thế mới, ông cảm thấy được tự do nhiều hơn. Tất cả thông tin đều nằm trong tự nhiên và 3/4 nằm sờ trước mắt kẻ có khả năng nắm bắt. Điều làm cho tôi thích thú nhất là tự hỏi: thủ phạm sẽ làm gì? Bằng phương pháp đó Abgrall đã phá “vụ án mất tích tại Yonne”. Một luật sư đã ủy nhiệm cho ông điều tra 7 bé gái mắc bệnh tâm thần biến mất trong khoảng 1977-1979 trong vùng Auxerre, thuộc tỉnh Yonne. Đã có lúc tưởng chừng như không còn chỗ cho ngẫu nhiên may mắn nữa. Thủ phạm chọn nơi ra tay, nạn nhân và mục đích của mình. Nhưng chính đó lại là dấu hiệu để phăng ra hắn. Phối hợp với cảnh sát, ông đã tham gia vụ án này trong suốt 8 tháng. Chính nhờ sự hợp tác đó đã dẫn đến kết quả: tên Emile Louis bị bắt. Chính ông đã tìm thấy bức thư mà tên này gởi cho mẹ của một trong các nạn nhân nói rằng: hắn biết bà chỉ sống với một đứa con gái, và muốn giúp đỡ bà! Sau lưng bì thư có một địa chỉ khách sạn, trong đó có hai bé gái được người ta nhìn thấy lần cuối cùng. Tôi giải thích theo một quan điểm khác với cảnh sát, và chỉ dựa vào kinh nghiệm bản thân mình.
Trích: Người Lao Động
Website hay về dịch vụ Bảo Vệ, Thám Tử Tư: dich vu bao ve – Cong ty bao ve – Bao ve – Tham tu – Tham tu tu – Tham tu – Thám tử – Tham tu