Nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam vốn có truyền thống quý báu từ lâu đời. Truyền thống đó gắn liền với tên những làng nghề, phố nghề và được biểu hiện bằng những sản phẩm thủ công truyền thống, với những nét độc đáo, tinh xảo, hoàn mỹ.
Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam có nét riêng và độc đáo, tên của sản phẩm luôn kèm theo tên của làng làm ra nó; sản phẩm nổi tiếng cũng làm cho làng nghề tạo ra các sản phẩm ấy nổi tiếng.
Nhiều nghề và làng nghề truyền thống đã nổi bật lên trong lịch sử Việt Nam. Ở đó không chỉ tập trung một hay nhiều nghề thủ công, trở thành một trung tâm sản xuất lớn hoặc khá lớn, mà còn là nơi hội tụ các thợ và nghệ nhân tài khéo, tạo ra những sản phẩm có bản sắc riêng, nơi khác khó bề bắt chước được.
Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ là những vật phẩm sinh hoạt bình thường hàng ngày, mà một số còn là những tác phẩm nghệ thuật biểu trưng của nền văn hoá xã hội, mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm nhân văn của dân tộc.
Làng nghề là cả một môi trường văn hoá – kinh tế – xã hội và công nghệ truyền thống lâu đời. Nó bảo lưu những tinh hoa nghệ thuật và kĩ thuật truyền từ đời này sang đời khác, chung đúc ở các thế hệ nghệ nhân tài năng, với những sản phẩm có bản sắc riêng của mình, nhưng lại tiêu biểu và độc đáo của cả dân tộc Việt Nam. Môi trường văn hoá làng nghề là khung cảnh làng quê, với cây đa bến nước, đình chùa, đền miếu…, các hoạt động lễ hội và hoạt động phường hội, phong tục tập quán, nếp sống đậm nét dân gian và chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Làng nghề truyền thống từ lâu đã làm phong phú thêm truyền thống văn hoá Việt Nam.
Theo: giocaodiem