Có lẽ từ thuở khai thiên lập địa con người đã có nhu cầu làm đẹp. Làm đẹp cho chính họ, cho người khác phái và cho cộng đồng. Từ những kiểu hóa trang mặt, các loại bột tô vẽ thân thể cho đến các kiểu trang phục đặc trưng của mỗi dân tộc. Tất cả tạo thành một màu sắc rực rỡ trong những ngày lễ hội và cả trong những ngày thường.
Phẫu thuật thẩm mỹ tuy mới ra đời gần đây, cùng thời với sự phát triển của phẫu thuật hiện đại, đã giúp cho biết bao con người trở nên đẹp đẽ hơn, biết bao mối tình thêm phần thi vị và biết bao nhiêu cặp vợ chồng được hàn gắn, ấm áp trở lại.
Ở các nước phát triển, phẫu thuật thẩm mỹ và ngành công nghệ làm đẹp đã và đang là một trong những ngành dịch vụ có hiệu quả cao, đồng thời được xã hội công nhận như là một trong những ngành nghề đáng quí trọng. Những người có ý muốn sửa sang những khiếm khuyết của cơ thể, làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ được cộng đồng, gia đình và người hôn phối nhìn nhận như một nhu cầu hết sức chính đáng và rất bình thường của con người dù ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Ở nước ta nhu cầu làm đẹp, nhất làm làm đẹp bằng các phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ, hình như chưa được coi trọng. Có nhiều người vẫn dị ứng với những phụ nữ muốn “o bế” cơ thể một chút bằng phẫu thuật thẩm mỹ như nâng mũi, sửa mắt, lấy bớt mỡ bụng, căng da mặt… Trong khi đó thầy thuốc làm phẫu thuật thẩm mỹ (ở đây là các bác sĩ được đào tạo bài bản về chuyên môn) cũng chưa được coi trọng đúng mức.
Trong mắt nhiều người họ hình như là kẻ… tà đạo, chỉ giỏi “chặt chém”. Khi nói đến một bác sĩ nào đó làm phẫu thuật thẩm mỹ, không ít đồng nghiệp thường gợi lại xuất thân của người ấy (nào là bác sĩ nhi khoa, bác sĩ gây mê hồi sức, bác sĩ mắt…) với thái độ biếm nhẽ, cho dù người ấy đã qua những lớp học về phẫu thuật thẩm mỹ trong nước và ngoài nước, các khóa đào tạo khá bài bản.
Dư luận xã hội cũng luôn tỏ ra khắt khe và phiến diện đối với nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Thật hiếm thấy một lời khen hay một sự tôn vinh nào đó với thầy thuốc thẩm mỹ.
Điều đầu tiên phải khẳng định: làm đẹp bằng phẫu thuật thẩm mỹ là một nhu cầu rất lớn và chính đáng của mọi người, nhất là trong một xã hội phát triển khi mà con người ngày càng bớt đi nỗi lo cơm áo gạo tiền. Làm đẹp là một tiêu chí cơ bản của bảng đánh giá chất lượng cuộc sống.
Đến Hàn Quốc, tôi được biết một tỉ lệ không nhỏ phụ nữ nước này đã sử dụng đến 40-50% số tiền mà mình kiếm được hằng tháng để mua mỹ phẩm, săn sóc cơ thể và làm phẫu thuật thẩm mỹ. Quan sát trên đường phố Seoul dễ thấy có rất nhiều phụ nữ đẹp nhờ sửa mũi, cắt mí đôi, căng da mặt… Seoul có đến vài chục bệnh viện chuyên phẫu thuật thẩm mỹ, có lẽ nhờ đó mà ngành giải phẫu thẩm mỹ Hàn Quốc gần như một ngành nghệ thuật.
Ở Pháp hay nhiều nước phương Tây khác, không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng cần đến phẫu thuật thẩm mỹ. Phẫu thuật thẩm mỹ thật sự là một chuyên ngành lớn trong toàn bộ hoạt động y tế của xã hội. Các thầy thuốc chuyên phẫu thuật thẩm mỹ được đào tạo bài bản, hoạt động dưới sự kiểm soát gắt gao của pháp luật và y sĩ đoàn.
Họ thành lập những hội đoàn nghề nghiệp, xuất bản tạp chí khoa học… để trao đổi chuyên môn nghề nghiệp, bảo vệ nghề của mình và để nâng phẫu thuật thẩm mỹ lên hàng nghệ thuật. Tất cả các hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ đều được tiến hành tại các bệnh viện chuyên môn, có sự tham gia tích cực của các thầy thuốc về tâm lý trước, trong và sau phẫu thuật để bảo đảm an toàn về sinh mệnh và tránh được những biến đổi không tốt về tâm lý nơi khách hàng – bệnh nhân.
PGS.TS NGUYỄN HOÀI NAM (ĐH Y dược TP.HCM)
Theo: tuoitre